Nhóm nghiên cứu các dòng gạo thơm ST trên cánh đồng lúa ST
Qua thời gian dài lai tạo, các dòng gạo thơm ST đã được hội đồng khoa học và người tiêu dùng bình chọn với nhiều danh hiệu nổi bật như: Giải thưởng Bông lúa vàng cho gạo ST5, ST13; là 1 trong 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013 do Cục Sở hữu trí tuệ công nhận; là 1 trong 24 sản phẩm được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giới thiệu thương hiệu trên thế giới; 3 năm liên tiếp là 2017, 2018, 2019, gạo ST24 đạt giải Nhất tại các kỳ thi gạo ngon trong nước, đến năm 2017 được bình chọn là top 3 gạo ngon thế giới. Đặc biệt, niềm tự hào của ngành lúa gạo Việt Nam khi ST25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại gạo thế giới được tổ chức tại Manila (Philippines) vào tháng 11 năm 2019.
Giống ST25 được nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng lai từ năm 2008, chọn thuần năm 2014, sau đó gửi đi khảo nghiệm quốc gia từ năm 2014 và đến cuối năm 2019 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đặc cách. Giống đã được cấp bằng bảo hộ tác quyền năm 2020. Đến năm 2021, giống ST25 được Hải quan EU thuê viện Eurofins của Đức phân tích DNA và công bố quốc tế. Do được lai tạo từ các giống có mùi thơm dứa ở phía Nam Việt Nam với giống có mùi thơm cốm ở phía Bắc nên hạt gạo thon dài, có màu sắc trắng trong, không bạc bụng, cho cơm thơm ngon, dẻo và vị ngọt đặc trưng hơn so với các loại gạo khác.
Ngay sau lần đầu tiên tạo được tiếng vang lớn trên thị trường thế giới, Kỹ sư Hồ Quang Cua - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu tại trại để hình thành sản phẩm gạo hội tụ đủ cả yếu tố “ngon” và “lành”. Theo đó, giải pháp được ưu tiên trong suốt quá trình canh tác là sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học; đồng thời, quản lý côn trùng và bệnh hại theo phương pháp sinh học.
Và, hành trình nỗ lực không ngừng ấy một lần nữa gặt hái được thành quả xứng đáng khi vượt qua 30 chủng loại gạo khác nhau đến từ các nước, chủng loại gạo ST25 của tỉnh Sóc Trăng đã lần thứ 2 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại lúa gạo toàn cầu được tổ chức tại Cebu, Philippines vào tháng 11 năm 2023. Chia sẻ niềm vui khi lần thứ 2 khẳng định được thương hiệu gạo Việt trên đấu trường thế giới, Kỹ sư Hồ Quang Cua - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho biết: “Đối với thành tựu về giống lúa ST25 này thì sau khi đã chọn thuần rồi, chúng tôi tiếp tục chọn dòng để thanh lọc nó, để chất lượng ngày càng tốt hơn. Từ lúc bắt đầu nghiên cứu, chúng tôi cũng đã phân tích về phẩm chất của những giống lúa mà mình đã chọn ra so với giống lúa được xem là đối thủ chính của chúng ta, đó là gạo Hom Mali của Thái Lan. Qua quá trình thực hiện thì chúng tôi nhận thấy có một số đặc tính vượt trội hơn so với Thái Lan. Do đó mà ngay khi quyết định mang đi dự thi thì bản thân tôi cũng rất tin tưởng là mình sẽ giữ được vị trí cao nhất trong cuộc thi”.
Việc ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới là sự kiện đáng tự hào của nhóm nghiên cứu, niềm phấn khởi của nông dân trong tỉnh và là dấu ấn thành công của nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Hiện nay, sản lượng xuất khẩu gạo ST24, ST25 của Việt Nam tăng đều qua các năm. Giá gạo đặc sản ST24, ST25 xuất sang châu Âu đạt mức trên 1.000 USD/tấn; trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam hiện nay là 553 USD/tấn. Có thể thấy, các sản phẩm gạo ST không chỉ góp phần tạo nên thương hiệu mà còn tạo ra một phân khúc riêng của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Kỹ sư Hồ Quang Cua - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho biết thêm: “Đối với cây lúa ST25 có lẽ chúng ta nên đưa vào vị thế của quốc gia, sẽ hay hơn là chỉ nói riêng ở Sóc Trăng. Vì rõ ràng là vùng đất ở Sóc Trăng chúng ta chỉ trồng được một phần thôi. Trước giờ, người Thái Lan họ vẫn dùng câu slogan là “Think rice, think Thailand”, có nghĩa là khi nghĩ đến gạo sẽ nghĩ ngay đến Thái Lan. Nhưng từ sau khi chúng ta đạt giải lần thứ nhất vào năm 2019, thì Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại lúa gạo toàn cầu đã sửa lại là “Think rice, think Thailand and Việt Nam”. Và năm nay, khi chúng ta đạt giải lần thứ 2, ông ấy lại tiếp tục nhắc đến câu nói này, khẳng định là hễ nghĩ đến gạo thì nghĩ đến Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta tổng hợp những yếu tố khác thì có thể nói rằng, vị thế của gạo thơm ST25 và ngành gạo Việt Nam đã vươn lên tốp đầu của Đông Nam Á rồi…”.
Sóc Trăng là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó lúa được xác định là cây trồng chủ lực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với diện tích canh tác hàng năm trên 320.000 ha, sản lượng hơn 2 triệu tấn mỗi năm. Trong điều kiện nông nghiệp vẫn là thế mạnh cần được phát huy thì dòng lúa mang thương hiệu ST vẫn là niềm tự hào của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Do vậy, với lần thứ 2 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, gạo ST25 được hình thành từ dòng lúa thơm ST đã thật sự làm rạng danh ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Sự vinh danh này không chỉ thuộc về nhóm tác giả mà còn cho cả ngành lúa gạo Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung. Thành công của nhóm nghiên cứu đã góp phần nâng cao giá trị hạt hạt gạo của Sóc Trăng, tạo cơ hội mới để nông dân Sóc Trăng làm giàu trên đồng ruộng của mình từ giống lúa thơm có chất lượng cao.
Gạo ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới lần 2 vào tháng 11 năm 2023
Tín hiệu vui từ “gạo ngon nhất thế giới” cũng đã khẳng định được hướng đi đúng của việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, thắp thêm niềm tin cho ngành Nông nghiệp Việt Nam trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo Việt, đặc biệt là trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửa Long đến năm 2030.
Tiến sĩ Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Trong Đề án này, tỉnh Sóc Trăng sẽ tham gia cho đến năm 2030 là 72.000 ha. Tuy nhiên, đây chỉ là mục tiêu ban đầu, nhiều khả năng chúng ta sẽ phấn đấu vượt hơn con số này. Hiện nay Việt Nam cũng đang tập trung phát triển thương hiệu gạo Việt. Qua 2 lần đạt giải Gạo ngon nhất thế giới thì Gạo ST25 cũng đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển thương hiệu gạo Việt. Và cũng là thành phần chính trong việc xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửa Long đến năm 2030”.
Gạo ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới là một sự kiện rất quan trọng đối với một quốc gia có thế mạnh về sản xuất lúa gạo như Việt Nam. Hòa chung với niềm vui đón Xuân mới, người dân Sóc Trăng càng thêm tự hào về sự chuyển mình của cây lúa, hạt gạo tỉnh nhà. Đây sẽ là động lực to lớn để các địa phương, doanh nghiệp và nông dân có thêm lòng tin trong việc đầu tư vào sản xuất các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Để rất nhiều năm về sau, Sóc Trăng vẫn tự hào xứng danh là địa phương sở hữu “hạt ngọc vàng” của ngành hàng gạo Việt, và những cánh đồng vàng canh tác dòng lúa mang tên gọi quê nhà vẫn cứ thế trải dài bất tận trên khắp đồng đất Sóc Trăng...
Ngọc Thơ