Theo ông Lâm Dũng Liêm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua được tỉnh triển khai thực hiện rất tốt. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hưởng ứng thì hàng năm, tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, phiên chợ để giới thiệu, kết nối, đưa sản phẩm được sản xuất trong nước, trong tỉnh đến với người tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài ra, tỉnh quan tâm chỉ đạo tổ chức các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”, “Phiên chợ nông sản an toàn - chất lượng”…
Tăng cường đưa hàng việt về nông thôn, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức 6 phiên chợ đưa hàng Việt đến các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh và tuyên truyền được 1.116 cuộc, có 54.179 lượt người dự; tổ chức 23 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, với 874 doanh nghiệp tham gia, có trên 18.944 lượt người đến tham quan mua sắm. Qua đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu và bán hàng; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp; tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với hàng hoá Việt Nam, nâng cao ý thức, văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong nhân dân.
Hàng hóa ngày càng đa dạng về sản phẩm, phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng
Trong đợt 1 năm 2022, Hội đồng đánh giá xếp hạng (HĐĐGXH) sản phẩm OCOP tỉnh (Hội đồng cấp tỉnh) nhận được 23 hồ sơ sản phẩm của 17 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP do HĐĐGXH sản phẩm OCOP cấp huyện (Hội đồng cấp huyện) gửi về, trong đó có 12 sản phẩm của TP. Sóc Trăng, 2 sản phẩm của TX. Ngã Năm, 5 sản phẩm của huyện Châu Thành, 1 sản phẩm của huyện Long Phú và 3 sản phẩm của huyện Mỹ Xuyên. Qua đó, Hội đồng cấp tỉnh đã tổ chức đánh giá, xếp hạng và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận kết quả đánh giá, xếp hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng đợt 1 - 2022 cho 18 sản phẩm như: bánh pía can xại, bánh pía kim sa đậu xanh, bánh pía kim sa lá dứa, mứt củ hành tím, bánh phồng tôm, dưa mắm, sữa chua tươi… của 13 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao OCOP và 16 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao OCOP.
Các sản phẩm đạt các sao OCOP đợt 1 - 2022 đều đáp ứng tốt yêu cầu của Bộ tiêu chí đánh giá; các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chất lượng, có cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm bắt mắt và tiện dụng, đa số sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Thông qua các sản phẩm đạt các sao OCOP cấp tỉnh được UBND tỉnh công nhận, các chủ thể OCOP tiếp tục đầu tư, nâng cấp sản phẩm, để sản phẩm tiêu thụ tốt hơn nữa, tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn và tăng thu nhập cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương và tỉnh nhà…
Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn phối hợp cùng các đơn vị có liên quan vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán hàng hóa Việt Nam sản xuất; đưa hàng hóa Việt Nam về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng.
Đồng thời phối hợp các sở, ban ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường công tác quản lý thị trường, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khuyến mãi.
Ông Lâm Dũng Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ thêm: nhờ những hình thức hoạt động phù hợp, linh hoạt mà người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, của tỉnh nhà. Tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng.
Ông Liêm cho biết thêm: Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn. Từ đó, góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam với chủng loại đa dạng, chất lượng nâng cao, giá cả hợp lý, chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn.