Cô Lâm Ngọc Cẩm Phúc - giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Quới 3, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: HUỲNH NHƯ
Tốt nghiệp ngành Sư phạm năm 2006, sau đó cô Cẩm Phúc công tác tại Trường Tiểu học Thạnh Quới 3 cho đến nay. Gắn bó với nghề, cô Phúc luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của giáo viên. Cô luôn phấn đấu, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân để ngày càng nâng cao chất lượng dạy học.
Trong công việc, cô luôn linh hoạt, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục theo hướng lấy học sinh làm trung tâm; cùng với đó, cô cũng thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học thông qua việc trình chiếu hình ảnh, video, giúp học sinh được quan sát trực quan, sinh động, từ đó làm cho tiết dạy hiệu quả hơn. Bản thân cô luôn cố gắng học tập, nắm vững phương pháp giảng dạy, mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với chương trình giáo dục tiểu học và tình hình thực tế của trường. Cô còn học hỏi thêm kinh nghiệm chuyên môn từ đồng nghiệp và kết hợp tự học để làm đồ dùng học tập theo từng nội dung bài học, tạo sự thích thú cho các em học sinh. Cô Phúc chia sẻ: “Từng phụ trách dạy môn mĩ thuật qua nhiều khối lớp khác nhau, dù dạy ở khối lớp nào tôi cũng luôn tìm tòi những phương pháp dạy học làm sao giúp học sinh chủ động, linh hoạt trong từng bài học. Để học sinh thích thú với môn học mĩ thuật, tôi còn tận dụng mọi nguyên vật liệu sẵn có, vật liệu tái chế để tạo sản phẩm mẫu, hướng dẫn cho các em, nhằm học tốt môn mĩ thuật”.
Bằng tất cả nghị lực và tình yêu với học sinh, cô Phúc đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cô còn tự nghiên cứu và đưa ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng hiệu quả trong trường như: “Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 học tốt vẽ theo mẫu”; “Một số giải pháp hướng dẫn học sinh lớp 3 vẽ tranh biết sắp xếp hình vẽ cân đối”; “Biện pháp hướng dẫn học sinh lớp 1 vẽ tranh đề tài có hiệu quả”… Qua đó, trong các tiết học của cô, các em học sinh được khơi gợi sự sáng tạo, tìm tòi, tự phát huy khả năng dựa trên năng lực của từng học sinh. Đối với những em học sinh có năng khiếu, cô phát huy tố chất sáng tạo khiến các em say mê, tự tìm tòi. Đối với các em chưa thích thú, cô tìm nhiều hình thức "chơi mà học" để giúp học sinh yêu thích, từ đó thích vẽ tranh, tạo được sản phẩm theo ý muốn dựa trên năng lực của mình.
Bên cạnh đó, cô còn phối hợp tốt với tổ chuyên môn các khối trong quản lý và báo cáo số lượng học sinh trong giờ dạy học môn mình phụ trách để theo dõi tình hình tỷ lệ học sinh chuyên cần và báo cáo kịp thời đến giáo viên chủ nhiệm kết quả học tập của từng em nhằm duy trì tốt sĩ số lớp và cũng nâng cao kết quả học tập của học sinh trong tổ và của các lớp được phân công. Kết quả, hằng năm học sinh đạt phẩm chất và năng lực môn mĩ thuật 100%, sĩ số học sinh trong tổ chuyên môn khối hằng năm được duy trì tốt.
Qua 18 năm công tác, cô Phúc có 11 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 lần Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm học; nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, riêng năm học 2014 - 2015 cô đạt giải nhất tại Hội thi Giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh. Mới đây, cô Phúc vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Với tác phong chuẩn mực, tận tâm với nghề, cô Phúc luôn được phụ huynh, học sinh quý mến. Ngoài công tác chuyên môn, cô còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của trường, của ngành tổ chức. Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và tâm huyết với nghề, cô Lâm Ngọc Cẩm Phúc xứng đáng là tấm gương cô giáo yêu nghề, mến trẻ để đồng nghiệp học tập và noi theo.
HUỲNH NHƯ