Bác nhấn mạnh, từ ngày Đảng và Chính phủ mở phong trào chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí bằng cách giáo dục, tự phê bình và phê bình, quần chúng đã biết phê bình. Trong đó, Bác dành lời khen đối với báo chí vì đã đăng những lời phê bình của quần chúng. Người cho rằng, đó là một tiến bộ. Bên cạnh những ưu điểm mà báo chí đã nêu, Người cũng phê bình báo chí không kiểm tra những cán bộ. Và điều quan trọng hơn là những cơ quan bị phê bình thì cứ im lặng. Từ đó, Bác nhận định: “Đó là một khuyết điểm” và yêu cầu, cần sửa chữa.
Về nội dung và cách làm, Người chỉ rõ, “các báo chí thì cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tách rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ: quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Và do đó mà khuyến khích quần chúng, mở rộng phong trào phê bình từ dưới lên trên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khuyên báo chí khi nhận được thư phê bình của quần chúng, thì không nên vội đăng, mà phải lựa chọn, điều tra. Khi phải trái đã rõ ràng, mới đăng lên báo. Người cho rằng, như vậy, phê bình mới có kết quả thiết thực. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với những người làm báo khi thực hiện nhiệm vụ của mình ở bất kỳ giai đoạn nào trong công tác phòng, chống quan liêu, tham ô, lãng phí.
Theo Bác, quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng. Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, thì tránh được nhiều khuyết điểm.
Người cũng yêu cầu cụ thể đối với những người bị phê bình (cán bộ hoặc cơ quan), thì phải thật thà tự kiểm thảo trước quần chúng (đăng lên báo), phải quyết tâm sửa đổi. Đè nén phê bình, hoặc phớt phê bình, cũng là tội lỗi.
Từ những yếu tố trên, Bác kết luận: “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Khéo lãnh đạo, thì đó là một cách rất hay để cải tạo tư tưởng cán bộ, để xây dựng đạo đức trong sạch, để đẩy mạnh công việc kháng chiến và kiến quốc”.
Bác viết bài này vào ngày 6/6/1953 với bút danh quen thuộc C.B., Báo Nhân Dân đăng số 116.
Kế thừa tư tưởng của Người về chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện quyết liệt công tác này, đặc biệt là trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
TRỌNG NHÂN
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:
[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 5, trang 264, 265.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 8, trang 139, 140.