Góp ý sửa đổi Hiến pháp là một yêu cầu tất yếu, phù hợp xu thế phát triển
Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng và đứng trước nhiều thách thức mới, việc sửa đổi Hiến pháp trở thành yêu cầu khách quan, cấp thiết. Góp phần vào tiến trình quan trọng đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Sóc Trăng đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện vai trò trung tâm đoàn kết và cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp vào ngày 20/5
Từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp, mỗi lần sửa đổi đều gắn liền với những bước ngoặt phát triển quan trọng của đất nước. Hiến pháp năm 2013 hiện hành đánh dấu bước phát triển lớn về thể chế chính trị, khẳng định rõ vai trò trung tâm của nhân dân, quy định đầy đủ hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tuy nhiên, trước những biến chuyển sâu sắc của thực tiễn, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, cũng như quá trình hội nhập quốc tế, đòi hỏi Hiến pháp cần tiếp tục được rà soát, bổ sung và hoàn thiện.
Trong tiến trình này, việc phát động phong trào góp ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân không chỉ là bước đi đúng đắn, phù hợp mà còn thể hiện tinh thần dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể vì một bản Hiến pháp thực sự “của dân, do dân và vì dân”. Và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các tỉnh chính là lực lượng tiên phong, giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức và dẫn dắt hoạt động này.
Với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, bài bản trong việc tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp từ cơ sở. Hoạt động này được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện trách nhiệm chính trị của Mặt trận đối với sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền.
Ngày 17/5/2025 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn 1582/UBND-NC về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua VNeID (Đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai quán triệt, triển khai tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 và tham gia góp ý Dự thảo trên VNeID; phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến “Tán thành” với Dự thảo.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai ngay nội dung Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh trên các nhóm, trang mạng xã hội và vận động toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động cơ quan tham gia góp ý và các dự thảo được tổ chức lấy ý kiến thông qua ứng dụng VneID cá nhân. Qua đó 100% cán bộ, công chức, người lao động cơ quan tham gia góp ý.
Ngày 20/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị để lấy ý kiến đón góp trong thành viên của 02 Hội đồng tư vấn về Dân tộc-Tôn giáo và Dân chủ-Pháp luật. Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý quan trọng, tâm huyết.
Bằng nhiều cách khác nhau, Ủy ban MTTQ Việ Nam các cấp trong tỉnh đã thực hiện tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân và hướng dẫn MTTQ cơ sở phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức như: trên báo, đài, Trang thông tin điện tử của Mặt trận, trên Zalo, Facebook, Fanpage, các cuộc họp chi bộ, họp tổ, nhóm, họp Ban Công tác Mặt trận; hội nghị cử tri, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp điều kiện cụ thể của từng đối tượng và địa phương,…Kết quả tổ chức tuyên truyền được 1.329 cuộc, 1.419.664 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân dự. Phối hợp Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về việc tổ lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận ý kiến, MTTQ tỉnh còn chủ động phân loại, tổng hợp, chọn lọc và đề xuất những nội dung quan trọng, những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Hiến pháp hiện hành. Các bản kiến nghị được chuẩn bị công phu, có cơ sở lý luận và thực tiễn, gửi đến các cơ quan có liên quan, điều này thể hiện rõ vai trò phản biện xã hội của Mặt trận.
Thông qua quá trình tổ chức góp ý sửa đổi Hiến pháp, MTTQ các tỉnh không chỉ phát huy vai trò tập hợp trí tuệ nhân dân mà còn góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị - pháp luật cho người dân. Những buổi hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt chi hội, tổ nhân dân tự quản trở thành diễn đàn dân chủ, nơi người dân được trao đổi, chia sẻ, hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, về bản chất và vai trò của Hiến pháp trong đời sống xã hội.
Tại nhiều địa phương, Mặt trận đã huy động sự tham gia của đội ngũ luật sư, nhà nghiên cứu, trí thức, cán bộ hưu trí, người có uy tín trong cộng đồng để phân tích, giải thích những nội dung then chốt trong Hiến pháp một cách dễ hiểu, gần gũi với người dân, qua đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm công dân đối với việc xây dựng thể chế đất nước.
Một trong những điểm sáng trong hoạt động của MTTQ các tỉnh là đã gắn chặt việc góp ý sửa đổi Hiến pháp với việc tổng kết thực tiễn tại địa phương. Những vấn đề nổi lên từ thực tế như: phân cấp, phân quyền giữa trung ương – địa phương; cơ chế giám sát quyền lực; vai trò của hội đồng nhân dân, chính quyền cấp xã; quyền bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ công; bảo vệ môi trường; phát triển bền vững... đều được phản ánh rõ nét trong quá trình lấy ý kiến.
Những kiến nghị này không chỉ mang tính đóng góp pháp lý mà còn là phản ánh sinh động từ thực tiễn đời sống nhân dân, góp phần làm sâu sắc hơn nội dung của Hiến pháp, tránh tình trạng rập khuôn, giáo điều hay thiếu khả thi khi áp dụng vào cuộc sống.
Hoạt động góp ý sửa đổi Hiến pháp dưới sự chủ trì, dẫn dắt của MTTQ tỉnh còn là biểu hiện rõ nét của xu hướng dân chủ hóa đời sống chính trị. Trong bối cảnh thế giới đề cao quản trị nhà nước minh bạch, có trách nhiệm và lấy người dân làm trung tâm, Việt Nam cần một bản Hiến pháp thể hiện đúng tầm nhìn phát triển bền vững, dân chủ, bao trùm.
Việc người dân được trực tiếp tham gia vào việc định hình Hiến pháp, văn bản tối cao của quốc gia, thể hiện vị trí chủ thể của nhân dân trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế, nơi quyền con người, quyền công dân, quyền tham gia quản lý nhà nước là những giá trị phổ quát được tôn trọng.
Một số đề xuất tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp. Để phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ các tỉnh trong tiến trình góp ý sửa đổi Hiến pháp, cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiến pháp, trong đó chú trọng tiếp cận truyền thông số, ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng không gian thảo luận, đặc biệt trong giới trẻ và các nhóm yếu thế.
Hai là, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là khả năng tổng hợp, phân tích, phản biện chính sách, bảo đảm các ý kiến góp ý có tính xây dựng và khả thi cao.
Ba là, mở rộng kênh tiếp nhận và phản hồi ý kiến nhân dân, xây dựng cơ chế đánh giá, tiếp thu và thông báo kết quả tiếp nhận góp ý để tạo niềm tin, thúc đẩy sự tham gia thực chất của người dân.
Bốn là, đề xuất thể chế hóa rõ hơn vai trò của Mặt trận trong giám sát và phản biện quá trình xây dựng pháp luật và sửa đổi Hiến pháp trong Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản liên quan.
Trong tiến trình xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc sửa đổi Hiến pháp là tất yếu và mang tính chiến lược. Sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh trong việc tổ chức lấy ý kiến góp ý Hiến pháp không chỉ thể hiện vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng bản Hiến pháp, bảo đảm tính dân chủ, phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại mới.