Ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại tỉnh, trong năm 2024. Ảnh: THÚY LIỄU
Trong năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tham gia vào Đề án với diện tích lúa 22.330 hécta tại các vùng Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, có 56 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia. Đến năm 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 38.500 hécta, có 78 hợp tác xã tham gia. Trong chỉ đạo sản xuất về canh tác bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ hướng dẫn nông dân vùng Đề án thực hiện giảm lúa giống gieo sạ xuống từ 80 - 100kg/hécta, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải, 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, cùng với các tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, trong năm 2025, về tổ chức lại sản xuất sẽ có 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích; trên 38.500 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%; xây dựng thương hiệu và xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Cũng theo đồng chí Trần Tấn Phương, đến năm 2030, Sóc Trăng có diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 72.000 hécta, có trên 100 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 70kg/hécta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ và thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. Có 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích, có trên 72.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.
Cùng với đó, có 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó lợi nhuận người trồng lúa trên 50%; xây dựng thương hiệu và xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh...
Đồng chí Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá cao tỉnh Sóc Trăng trong công tác triển khai thực hiện Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao và triển khai thực hiện thí điểm 50 hécta tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú. Đồng chí Lê Thanh Tùng yêu cầu, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện tốt diện tích lúa đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện trong Đề án. Tiếp tục thông tin đến các địa phương về mục tiêu Đề án, để địa phương hiểu rõ tầm quan trọng trong việc thực hiện Đề án sẽ góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà.
THÚY LIỄU