Những quy định xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên
STO - Thời gian qua, việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Nhiều vụ việc vi phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm hành chính; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên có chiều hướng gia tăng trên một số lĩnh vực. Để hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng xoay quanh vấn đề này.

Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: KIM NGỌC

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết quy định của pháp luật về người chưa thành niên là những đối tượng nào? Có ý kiến cho rằng người dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật hành chính sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính. Ý kiến này đúng hay sai? Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định cụ thể về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong: Theo Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi”. Theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Như vậy, có thể thấy khái niệm người chưa thành niên tương đối rộng, bao hàm cả trẻ em và người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.

Đối với ý kiến cho rằng người dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật hành chính sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính như trên là hoàn toàn sai. Tại điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”. Như vậy, chỉ những người dưới 14 tuổi và người từ 14 đến dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật hành chính do lỗi vô ý thì không bị xử phạt vi phạm pháp luật hành chính. Tuy nhiên, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính?

Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong: Theo Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020: Ngoài những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc xử lý đối với người chưa thành niên còn được áp dụng các nguyên tắc sau đây: Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn. Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp. Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.

Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định tại Chương II của phần thứ năm Luật Xử lý vi phạm hành chính, như: biện pháp nhắc nhở; quản lý tại gia đình và giáo dục dựa vào cộng đồng. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

Phóng viên: Người chưa thành niên vi phạm hành chính thì bị xử phạt và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nào theo Luật Xử lý vi phạm hành chính?

Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong: Về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với người vị thành niên, tại Điều 135 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các hình thức xử phạt bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường; văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do vi phạm hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật. Khi ra quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính với người chưa thành niên phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không áp dụng hình thức phạt tiền. Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu người chưa thành niên không có tiền nộp phạt, không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

Ngoài ra, người chưa thành niên còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Điều 136 Luật Xử lý vi phạm hành chính là: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng. Cụ thểáp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên khi có đủ các điều kiện sau: người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 2 lần trở lên trong 6 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên khi có đủ các điều kiện sau: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn...

Như vậy, người chưa thành niên khi vi phạm pháp luật chỉ bị áp dụng 1 trong 2 biện pháp xử lý hành chính: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng khi có đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Người chưa thành niên không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và cơ sở cai nghiện bắt buộc.

KIM NGỌC (Thực hiện)

đại hội nhận huân chương trao co cho các ton giao No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... kỷ niệm chương No title... No title...
video
Phóng sự cụm Nam Sông Hậu năm 2021
  • Phóng sự cụm Nam Sông Hậu năm 2021 (10/12/2021)
  • Truyền thống 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (17/11/2021)
  • 300 phần quà cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn (09/11/2020)
  • Chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer (09/11/2020)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 61
  • Hôm nay: 937
  • Trong tuần: 12 035
  • Tất cả: 1268258

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng

Địa chỉ: Số 05, đường Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng

Điện thoại: (0299) 3821039 . Email: vpmtst@gmail.com

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Đỗ Tấn Hậu - Trưởng BBT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh Sóc Trăng