Chị Huỳnh Thị Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng): Phát huy vai trò tổ chức hội để thực hiện bình đẳng giới
Là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Tâm, tôi luôn quan tâm nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, hội viên; tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động phụ nữ hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2018 - 2025 vào các kỳ sinh hoạt của các câu lạc bộ, tổ, nhóm tại cộng đồng.
Phú Tâm là xã vùng xa của huyện Châu Thành lại có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đáng mừng hiện nay là nhận thức của người dân về bình đẳng giới được nâng lên rất nhiều. Phụ nữ có cơ hội khẳng định mình trong cuộc sống, bước ra ngoài xã hội để làm việc và kiếm tiền. Tuy vậy, vẫn còn đâu đó ở một vài gia đình, phụ nữ bị bạo lực. Khi không thể có được sự bình đẳng, phản kháng mạnh mẽ nhất của phụ nữ là có ý định ly hôn. Từ đầu năm 2023 đến nay, tôi cùng các đoàn thể của xã Phú Tâm đã hòa giải thành 2 trường hợp vợ muốn ly hôn, nguyên nhân là do chồng say xỉn thường “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Chị Huỳnh Thị Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Mới đây, xã Phú Tâm cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng chọn làm điểm thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy” nhằm giúp đỡ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh; hỗ trợ tại chỗ các nhu cầu thiết yếu, thực phẩm, y tế, ổn định tâm lý. Hỗ trợ tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng; kết nối giúp nạn nhân giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Từ đó thúc đẩy mỗi người thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử, góp phần xóa bỏ nạn bạo hành, bạo lực trong gia đình, giữ gìn truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Chị Lý Thị Như Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phú Thành A, xã Phú Tâm: Bước ra khỏi vùng an toàn trong gia đình
Gia đình tôi sống ở ấp Phú Thành A, xã Phú Tâm, kinh tế chủ yếu là mua bán nhỏ. Sống ở vùng nông thôn, tôi quan niệm phụ nữ chỉ chăm sóc chồng con, lo nội trợ. Chính vì vậy, tôi đã từng không có ý định tham gia hoạt động xã hội, bởi phần lớn thời gian đã dành cho gia đình.
Đầu năm 2023, khi con đã lớn, tôi mạnh dạn tham gia Chi hội Phụ nữ ấp Phú Thành A, rồi trở thành Chi hội trưởng. Qua các cuộc họp, tôi được nghe hội cấp trên tuyên truyền phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; phổ biến các kiến thức liên quan đến việc xây dựng gia đình và chăm sóc con, phát triển kinh tế gia đình… Từ đó, tôi có thêm hiểu biết, học thêm nhiều cái mới, cái hay và vận dụng phục vụ công việc, đời sống hằng ngày. Tôi may mắn là được chồng ủng hộ, san sẻ việc nhà, nội trợ, chăm sóc con cái, cùng trao đổi, bàn bạc trước khi quyết định những việc quan trọng của gia đình.
Chị Lý Thị Như Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phú Thành A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Chi hội Phụ nữ ấp Phú Thành A hiện có 292 hội viên, trong đó có 102 hội viên là dân tộc thiểu số. Trong việc thực hiện tuyên truyền bình đẳng giới, tôi tập trung vào những điều gần gũi với đời sống phụ nữ nông thôn, như tình trạng trọng nam khinh nữ, kế hoạch hóa gia đình. Chẳng hạn trong vấn đề sinh sản, người vợ luôn là người phải tự lo bằng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, còn người đàn ông thường ít quan tâm đến vấn đề này. Sự bất bình đẳng nằm ở suy nghĩ của nam giới về những vấn đề tế nhị này, vì vậy tôi tuyên truyền để họ hiểu rằng việc kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ sức khỏe là công việc của cả hai, không phải đó chỉ là trách nhiệm của phụ nữ.
Có thể nói, trong cuộc sống hiện đại, con người ngày càng hướng tới bình đẳng giới. Trong gia đình cần nhất là sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa vợ và chồng, giữa các thành viên trong gia đình để có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ, đó là sự tiến bộ và bình đẳng giới lớn nhất.
PHƯỚC LIÊU