Giữa cánh đồng lúa bao la ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, căn nhà mới khang trang của bà Lê Thị Ngọc Diễm, ấp Đầy Hương 3 nổi bật giữa dãy nhà lợp tôn cũ kỹ. Gương mặt rám nắng của người phụ nữ ánh lên niềm vui khó giấu. Bà kể, bao nhiêu năm qua, cả nhà phải sống trong căn chòi lá xập xệ, mùa mưa phải lấy cao su che mái, mùa nắng thì oi bức đến ngạt thở. Bà bảo, có nằm mơ cũng không dám nghĩ một ngày nào đó lại có được căn nhà xây vững chãi, cửa sổ sáng trưng, nền xi măng mát rượi dưới chân.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
“Nhờ chính quyền, nhờ Mặt trận giúp đỡ tui mới có được căn nhà như vầy. Ở đây không lo sập nữa, mưa gió gì cũng yên tâm. Tui cảm ơn nhiều lắm!”, giọng bà nghèn nghẹn, mắt rưng rưng mà miệng vẫn cười. Không chỉ riêng bà Diễm, mà hàng ngàn hộ dân khác ở các huyện Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Kế Sách, Cù Lao Dung, Mỹ Tú… cũng đang sống trong niềm hạnh phúc tương tự, niềm hạnh phúc mang tên mái ấm Đại đoàn kết.
Chúng tôi đến thăm căn nhà mới xây của ông Phan Thanh Trung, một trong những hộ được hỗ trợ nhà ở thuộc ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên. Ông Trung chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, tôi và vợ đều đã lớn tuổi và đều bị bệnh. Thu nhập từ nghề cưa củi mướn tôi không đủ để thực hiện ước mơ xây lại căn nhà đã dột nát, được chắp vá bằng những tấm lá, miếng tol bị hư. Được Mặt trận, chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ sửa chữa lại căn nhà, đối với gia đình là niềm vui khôn tả, đây là động lực để giúp chúng tôi an tâm sản xuất, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.
Còn hộ ông Sơn Niểng, ấp Tân Thắng, xã Thạnh Tân chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi sống trong ngôi nhà dột nát, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Nhưng nay, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã có ngôi nhà mới khang trang, cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Ngôi nhà mới là động lực lớn để chúng tôi phấn đấu vươn lên thoát nghèo".
Còn ông Nguyễn Tân Tạo, ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị xúc động tâm sự: "Vợ chồng tôi lớn tuổi, sống đơn chiếc, điều kiện sống rất khó khăn. Ngôi nhà cũ không an toàn. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, chúng tôi đã được xây dựng nhà mới. Ngôi nhà mới không chỉ đảm bảo nơi ở ổn định mà còn mang lại cho chúng tôi niềm vui và sức khỏe".
Ở huyện Cù Lao Dung, nơi còn nhiều hộ dân gặp khó khăn về nhà ở, chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết được triển khai sâu rộng. Không ít gia đình sau khi được hỗ trợ nhà đã thoát nghèo bền vững, con em có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, nhiều người còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, trở thành hạt nhân gắn kết cộng đồng.

Công tác kiểm tra, giám sát tiến độ xây dựng nhà được MTTQ Việt Nam các cấp đặc biệt quan tâm
Ông Ngô Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chúng tôi không chỉ trao nhà, mà còn trao niềm tin, trao động lực để người dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Trong mỗi căn nhà Đại đoàn kết đều có bóng dáng của tình làng nghĩa xóm, của tình đoàn kết dân tộc bền chặt nơi vùng đất này.”
Bà Chung Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thạnh Thới, huyện Trần Đề, chia sẻ: “Chúng tôi xác định việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là việc làm giàu tính nhân văn, góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đảm bảo đúng đối tượng, xã luôn rà soát kỹ, tổ chức họp dân công khai, minh bạch trong xét chọn và giám sát xây dựng đến khi hoàn thiện bàn giao.”
Bà Lâm Thị Thanh Trúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, cũng tâm sự:“Mỗi khi trao nhà mới cho bà con, thấy họ cười, thấy họ khóc vì xúc động, tôi mới cảm nhận sâu sắc được ý nghĩa của công tác Mặt trận. Chúng tôi không chỉ xây nhà, mà đang giúp dựng lại niềm tin, mở ra tương lai mới cho những phận người từng long đong, vất vả.”
Sóc Trăng là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer đông nhất cả nước, đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng cũng chính ở đây, tinh thần đoàn kết các dân tộc càng được hun đúc, thể hiện rõ nét trong từng mái ấm tình thương được dựng nên. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương góp sức để xây đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho người dân trên địa bàn, những hành động tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình người to lớn.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm, thăm hỏi các gia đình được hỗ trợ nhà ở
Nhiều nơi, sau khi được hỗ trợ nhà ở, các hộ dân chủ động tham gia vào các mô hình tự quản, tổ nhân dân tiêu biểu, chi hội nông dân, phụ nữ… Họ không còn là những người đứng ngoài cuộc sống cộng đồng mà trở thành thành viên tích cực, tiếp tục lan tỏa giá trị yêu thương mà họ từng nhận được.
Mỗi căn nhà là một câu chuyện riêng, nhưng tựu trung lại, tất cả đều thấm đẫm nghĩa tình. Có thể nói, chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết ở Sóc Trăng không chỉ mang giá trị vật chất mà còn mang đậm dấu ấn nhân văn sâu sắc. Đó là biểu tượng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ, là tấm lòng của cộng đồng cùng hướng về người nghèo, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, cộng đồng kiều bào cho đến từng hộ dân góp công, góp vật liệu, mỗi căn nhà được xây nên đều là một minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết toàn dân.
Năm 2025, qua rà soát, tổng hợp, toàn tỉnh dự kiến hỗ trợ xóa nhà tạm nhà dột nát cho 8.673 hộ, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 455 tỷ đồng. Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến ngày 30/4/2025 hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà cho người có công và quyết tâm 30/6/2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.